CHIẾU SÁNG HẦM ĐƯỜNG BỘ

CHIẾU SÁNG HẦM ĐƯỜNG BỘ

Là một hạng mục quan trọng trong tổng thể các hạng mục chiếu sáng của đường cao tốc . . .Đối với đường cao tốc dài, hệ thống chiếu sáng có thể không liên tục hoặc được bố trí theo các phương pháp khác nhau tuỳ theo khu vực nó đi qua, tuy nhiên hạng mục hầm đường bộ luôn được chiếu sáng và hơn nữa còn yêu cầu một mức độ chiếu sáng đặc biệt. Hệ thống chiếu sáng hầm đòi hỏi đảm bảo cả trong điều kiện ban ngày và ban đêm; ngoài mục đích đảm bảo ánh sáng, dẫn hướng cho các phương tiện giao thông hệ thống còn mang lại vẻ đẹp cho kiến trúc bên trong của hầm.

  1. Phạm vi chiếu sáng của hầm

Phạm vi chiếu sáng hầm đường bộ được chia ra thành 4 vùng: Vùng ngưỡng cửa ( Threshold Zone), vùng chuyển tiếp ( Transition Zone), vùng trong hầm ( Interior Zone) và vùng cửa ra ( Exit Zone).

1.1. Vùng ngưỡng cửa ( Threshold Zone)

Sự tiếp xúc của mắt người lái xe đang thích nghi với mức độ chiếu sáng cao của ánh sáng ban ngày. Thông thường, nếu mức độ ánh sáng trong vùng ngưỡng cửa thấp hơn bên ngoài, các chi tiết bên trong hầm hoặc các vật thể sẽ không được nhìn rõ – nghiêm trọng hơn có thể gây ra hiện tượng “ ổ gà ánh sáng”. Do vậy vùng đầu tiên này của hầm yêu cầu mức độ chiếu sáng đặc biệt trong suốt cả ngày. Tường và bề mặt mặt đường trong vùng này yêu cầu phải được nhìn rõ.

1.2. Vùng chuyển tiếp ( Transition Zone)

Sau vùng ngưỡng cửa yêu cầu mức độ chiếu sáng cao là vùng chuyển tiếp yêu cầu mức độ chiếu sáng thấp hơn vùng trước.

1.3. Vùng trong hầm ( Interior Zone)

Đối với đường hầm dài, vùng chuyển tiếp thường được giữ mức độ chiếu sáng không đổi. Tuy nhiên trong đó vùng trong hầm lại thường được giữ mức độ chiếu sáng ngang bằng mức độ chiếu sáng của đường trong buổi đêm. Thậm chí trong buổi đêm, khi cần thiết sự cẩn thận thì mức độ chiếu sáng cần thiết phải lớn hơn khi ở ngoài đường. Lí do đưa ra là do trong đường hầm có ít khoảng trống để phán đoán đường đi, ít khoảng trống để tránh các vật cản; và nếu tai nạn có xảy ra thì rất khốc liệt. Thực nghiệm cho thấy mức độ chiếu sáng được khuyến cáo là từ 5cd/m2 đến 20cd/m2. Mức độ chiếu sáng này có thể thấp hơn nếu đường hầm dài hơn 1km, nơi có nhiều thời gian để mắt thích nghi hơn là đường hầm ngắn. Khi hầm có nhiều khói, bụi hệ thống chiếu sáng nên ở mức độ cao để bù vào sự suy giảm quang thông gây ra do những nguyên nhân trên.

1.4. Vùng cửa ra ( Exit Zone)

Do các vật thể gây cản trở đã nổi bật ở vùng cửa ra nên mức độ chiếu sáng ở vùng cửa ra không cần phải tăng thêm.

2. Cách bố trí chiếu sáng trong đường hầm

Thông thường hệ thống chiếu sáng trong hầm đường bộ được bố trí theo 2 cách cơ bản, đó là bố trí hai bên góc giữa tường hầm với trần hầm và bố trí thành một hoặc nhiều dãy trên trần hầm.

2.1. Bố trí đối xứng

Thường sử dụng đối với đường hầm có trần phẳng, chiều dài đường hầm lớn và thẳng.

2.2. Bố trí theo làn trên tầng hầm

Thường được sử dụng đối với đường hầm có trần cong hoặc hai bên tường hầm có nhiều vị trí uốn lượn ( theo địa hình).

3. Các loại đèn sử dụng trong chiếu sáng hầm

Phụ thuộc vào cách bố trí hệ thống chiếu sáng trong hầm đường bộ ta chọn được loại đèn có phân bố ánh sáng thích hợp. Đó là loại đèn pha có phân bố ánh sáng đối xứng và đèn pha phân bố ánh sáng bất đối xứng.

3.1. Đèn pha phân bố ánh sáng đối xứng

Thường được sử dụng cho đường hầm với cách bố trí hệ thống chiếu sáng theo làn trên tầng hầm. Công suất bóng tuỳ theo bề rộng lòng đường và độ dài của hầm. Thường sử dụng bóng có công suất từ 70 - 250W.

3.2. Đèn pha phân bố ánh sáng bất đối xứng

Thường được sử dụng cho đường hầm với cách bố trí hệ thống chiếu sáng đối xứng tại vị trí góc giữa tường hầm với trần hầm. Công suất bóng dùng cho loại đèn này thường chọn lớn hơn công suất bóng dùng cho đèn pha có phân bố ánh sáng đối xứng. Thường sử dụng bóng có công suất từ 250-400W tuỳ theo bề rộng lòng đường và độ dài hầm.

Đèn pha sử dụng cho chiếu sáng hầm đường bộ phải có phản quang phân bố ánh sáng tốt, chịu được rung động lớn trong đường hầm và mang tính thẩm mỹ cao.

Chia sẻ :

Viết bình luận